Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Nguyễn Trãi
ba bảy mươi 𠀧𬙞𱑕
đc. <Nho> ba phần, bảy phần, mười phần. Kinh Thi bài Phiếu hữu mai có đoạn “mai rụng kìa, quả còn bảy phần. Chàng nào tìm em, hãy chọn ngày lành. Mai rụng kìa, quả còn ba phần. Chàng nào cần em, chọn ngày nay đi” (摽有梅、其實七兮。求我庶士、迨其吉兮。摽有梅、其實三兮。求我庶士、迨其今兮). Ý nói cây mai có mười phần quả, cứ rụng dần mất đi. quả mai ba bảy đương vừa, đào non sớm liệu xe tơ kịp thời (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Vì thu cho nhẫn nên đầu bạc, chưa dễ ai đà ba bảy mươi. (Tích cảnh thi 203.4, 204.1). Với điển này, đây rõ ràng là loạt bài nói về chuyện tình yêu đôi lứa. [xem thêm NH Vĩ. 2009. Nguyễn Trãi và sex].
Biện Hoà 卞和
dt. <Pháp> người nước sở thời Xuân Thu. Sách Hàn Phi Tử ghi chuyện: ”Biện Hoà người nước sở nhặt được một viên ngọc thô ở kinh sơn, đem đến dâng cho lệ vương, lệ vương cho thợ ngọc xem, thợ ngọc bảo đó là đá. Vua cho hoà là nói dối, bèn chặt chân trái hoà đi. Khi lệ vương chết, Vũ Vương tức vị, hoà lại đem viên ngọc thô ấy hiến lên Vũ Vương, Vũ Vương lại sai thợ ngọc xem, vẫn bảo là đá. Vua cho hoà là lừa, bèn sai người chặt nốt chân phải. Vũ Vương băng, Văn Vương tức vị, hoà ngồi ôm ngọc khóc dưới chân núi kinh sơn, liền ba ngày ba đêm, khóc hết nước mắt thì ra máu. Văn Vương nghe biết chuyện ấy, bèn sai người đến hỏi: ‘người trong thiên hạ bị chặt chân thì thiếu gì, sao ngươi cứ khóc mãi thế? hoà bảo: ‘ta chẳng phải buồn vì bị chặt chân. Ngọc quý mà bảo là đá, người ngay mà bảo là dối, cho nên ta mới khóc’. Văn Vương sai thợ mài, quả là ngọc thực, bèn gọi ngọc ấy là hoà thị chi bích. Hàn Phi Tử bình luận: “châu ngọc là vật vua chúa mê lắm, họ hoà dâng ngọc thô tuy chẳng hại đến vua, thế mà hai chân bị chặt, rồi sau mới luận được ngọc quý. Bàn về ngọc khó như thế đấy” (夫珠玉人主之所急也,和雖獻璞而未美,未為主之害也,然猶兩足斬而寶乃論,論寶若此其難也). Chuyện trên được xếp trong chương cô phẫn (chuyện về những người cô đơn bi phẫn). Nguyễn Trãi hẳn có liên hệ điển này với bản thân với nỗi niềm của kẻ cô trung, thất sủng. Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc, đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng. (Tự thuật 117.3).
bậu 部
◎ Ss đối ứng: pậu là “người ta, chúng nó”, từ để gọi bạn bè kém tuổi mình (Tày) [HTA 2003: 399], vậu [HTA 2003: 576-577], Phng. miền Trung: bậu là từ nam giới dùng để gọi vợ [Alves 2012: 4]. Phiên khác: mỗ bộ (TVG, MQL, PL), mấy bộ (ĐDA). Chú giải: “Nguyễn Trãi từng làm Thượng thư bộ lại, nay về ẩn, nên nói xin làm một bộ nào đó (bộ này không có trong cơ chế của triều đình) để quản lý núi sông, tức cảnh ẩn dật” [MQL 2001: 854]. Tồn nghi.
dt. <từ cổ> “bậu: bạn” [Rhodes 1651 tb1994: 37], trong bậu bạn, bậu gốc Việt, bạn (伴) gốc Hán. Xin làm mỗ bậu quản giang san, có biết đâu là sự thế gian. (Tự thán 95.1). Nghèo như nhà bậu mai rau chiều cháo, đây anh cũng ngồi mà nghĩ bổ báo đền ơn. cd
chi tuổi 支歲
dt. HVVT <từ cổ> tuổi âm, năm tuổi, tính theo can chi, hán văn là chữ niên canh 年庚 . “chi tuổi: năm tuổi của Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi sinh năm canh thân 1380, thì năm 1440 cũng canh thân, đúng một chu kỳ 60 năm. Đến năm 1441, ông mới được Lê Thái Tông cho phục chức và ông làm bài Biểu tạ ơn” [BVN 1994: 57]. “chi là mười hai địa chi (tý, sửu, dần…). Chi tuổi là năm tuổi, Nguyễn Trãi sinh năm canh thân 1380, gặp năm thân là năm tuổi, không nhất thiết phải đến năm canh thân 1440 mới là năm tuổi như một vài sách giải thích” [MQL 2001: 724]. “Chi tuổi là năm tuổi, xưa thường cho rằng đó là năm gặp nhiều khó khăn.” [PL 2012: 92]. Cậy trời còn có bây nhiêu nữa, chi tuổi chăng hiềm kẻ khó khăn. (Trần tình 38.8).
chà 茶
chà gốc Việt, cành - nhành gốc Hán. x. cành.
dt. <từ cổ> cành cây. “chà ràu que củi” [Rhodes 1651 tb1994: 55, 191]; “Cha: pater. Cha ca: pater magnus” [Morrone 1838: 213; Schneider 1987: 390-391], “Chà: ramus. Chà gai: ramus spinosus. Chà chuôm: fasciculus quem in aquâ asservant ad pisces &c. capiendos” [Taberd 1838: 51]. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.3)‖ Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. (Ngôn chí 3.3)‖ (Tự thán 84.3)‖ ám sâm: Chà bổi bờm xờm, để ngâm dưới nước cá tôm mến chà (CNNA 37). Kiều Oánh Mậu (1854- 1912) ghi: “Nhà chùa dùng vỏ mai làm trà, gọi là hồng mai” (禪家用梅皮作茶,名紅梅). Người dân chùa hương thường đẽo các gốc mai già đun nước uống, gọi là nước lũa mai, nước lũa mơ, nước thanh mai, trà lão mai. Loại trà này thơm, mát, vị thanh, ngọt hậu, màu hồng, dùng để giải khát và thanh nhiệt. Vũ Phạm Hàm (1864- 1906) trong hương sơn phong cảnh có câu: “quả mơ ngon với nước mơ già, trong chân cảnh tìm ra chân vị” [đqt hoàng 2014: 45- 46]. “chè mai chính là hồng mai trà như các cụ TVG, PTĐ đã chú thích, đó là gỗ cây lão mai đẽo ra làm trà pha nước uống, nhà sư thường uống trà này cho thanh tịnh nên cũng gọi là thiền trà hoặc thuyền trà. Khi đẽo cây lão mai trên núi hoặc trong vườn, người ta thường hứng nia, mẹt, mủng, rá để mảnh khỏi rơi xuống cỏ sỏi. Nguyễn Trãi tiện dụng hơn, ông trải luôn tấm khăn đang quàng của người già xuống để tận nhặt (nhặt sạch, nhặt hết, tận thu) những mảnh trà rồi túm lại mang về hãm uống.” [NH Vĩ 2010]. Thuyền trà cạn nước hồng mai (Nguyễn Du - Truyện Kiều c. 1991).
chái 債
◎ Phiên khác: trải: giải ra (TVG, ĐDA, BVN), trách: chọn (Schneider), trách/ trái: mong có được (PL). Theo VVK, NH Vĩ.
đgt. <từ cổ> dùng tre củi dựng nơi ở xuềnh xoàng (nơi ấy gọi là cái chái). Chạnh yên hà, chái một căn đình, quét đất thiêu hương giảng ngũ canh. (Tức sự 123.1, 124.3). “thô sơ nhất chữ chái là danh từ chỉ những vật dụng được tạo ra bằng các que mảnh, một đầu cắm xuống đất, nghiêng nghiêng gác một đầu lên một phía có cấu tạo vững hơn để làm giá leo cho hoa màu giây leo như bầu, bí, su su, hoa lí….tiếp đến, những kiến trúc thô sơ để che mưa nắng có một mái nghiêng, một phía phải gác lên một kết cấu chắc chắn hơn cũng gọi là chái như chái bếp, chái chuồng lợn, chái chuồng gà… tiếp đến, những công trình sơ sài một mái nghiêng cũng gọi là chái. Hành động làm ra tất cả những vật dụng như vậy là động từ chái. Ví dụ : chái cho cha cái chái bầu; hôm nay ta chái cái bếp ; chái thêm một chỗ làm cái quán. Còn đất sao chẳng chái ra một gian… không thể phủ nhận tính chất động từ của các ngữ dụng có tiếng chái trên. Việc nhập vào nhau của danh từ và động từ là thường thấy như cày, bừa, đục ,bào, cuốc, cào, cưa, đột, khoan,đầm, rây, xỉa, sàng, giần, quạt, sảo v.v. Nhưng một căn đình cơ mà, tại sao lại gọi là chái được, có phải là lều đâu? có lẽ vì ngại chữ đình (to lớn vững chãi) này mà các cụ né phiên chái (tuềnh toàng tạm bợ) chăng? thứ nhất, ta xem căn đình của Nguyễn Trãi như thế nào khi đọc cả bài thơ: chạnh yên hà chái một căn đình, quét đất thiêu hương giảng ngũ canh. Chim đỗ tổ dìn còn biết mặt, hoa nen rừng thấy hoạ hay danh. Đai lân bùa hổ lòng chăng ước, bến trúc đường thông cảnh cực thanh. Có khuở giang lâu ngày đã tối, thuyền hoà còn dỏi tiếng tranh tranh. Đình gì mà phải quét đất, có nghĩa là không lát gì cả. Đình gì mà trống hoác như vậy, không có cả bốn vách đến nỗi chim đỗ trong tổ mà nhìn còn biết mặt, hoa chen chúc trong rừng mà thấy còn đọc ra tên. Đình gì dùng để dạy học mà có khi còn nghe rõ cả tiếng thuyền chài gõ cá dưới bến kia. Đình gì mà một phía chái vào khói ráng vậy. Đó chỉ là một ngôi lều rộng tuềnh toàng một mái thôi dùng để dạy láng giềng mấy sĩ nho, thầy dạy là một ẩn sĩ, không ước đai lân bùa hổ gì. Té ra chữ đình thời Nguyễn Trãi khác chúng ta tưởng tượng theo bây giờ lắm, nó có thể chỉ một chỗ rộng chung cho mọi người có thể trú chân, tạm bợ, sơ sài. Học trò học cũng tạm bợ sơ sài như vậy. Thứ hai, đọc tài liệu ghi chép qua hoàng xuân hãn trong luận văn cuộc tiếp sứ thanh năm 1663 thì ta cũng ngạc nhiên cho đình trạm ngoại giao quan trọng cuối thế kỉ xvii, từ lạng sơn về hết bắc giang, đình trạm tiếp khách chủ yếu là tranh tre nứa lá sơ sài. Cũng cuối thế kỉ đó, liêm quận công Nguyễn Quí Đức về hưu trí trong danh vọng và giàu sang làm một ngôi đình tiếp bè bạn là văn nhân được chính ông mô tả như sau trong bài thơ nôm đề lạc thọ đình ghi: chạnh mái thiền lâm chặm một đình, trong nhàn dành họp bạn kỳ anh. Chiếu hiềm che gió cài xô lệch, vách ngại ngăn trăng để chống chênh. Vui mặt uống say nằm thét lác, dang tay hóng mát đứng hềnh hênh. Cái đình tư nhân của các cụ là như vậy đấy, chặm một đình được thì chắc là chái một căn đình cũng được. Vậy chữ đình này không ảnh hưởng đến việc chúng ta phiên chữ chái kia. ở bài sau bởi vậy, cũng phải phiên chái thì mới đúng: chốn ở chái căn lều lá, mùa qua chằm bức áo sen.”[NH Vĩ 2010: ].
chăn 氈
◎ Nôm: 𧜖 AHV: chiên, thanh phù: đàn. Ss đối ứng căn (1 thổ ngữ Mường), men (6 thổ ngữ), o (16 thổ ngữ), doj (3 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 191]. Dạng chăn (氈) và mền (綿) đều là từ hán Việt-Mường. Hai dạng sau là gốc Mường.
dt. đồ dùng để đắp cho ấm, được dệt từ lông thú, lưu tích: chăn chiên. Sách Chu Lễ thiên Thiên quan phần Chưởng bì có câu: “mùa thu lấy bì, mùa đông thu hoạch da, cùng là lông để làm chăn” (秋斂皮,冬斂革,共其毳毛爲氈). Nguyễn Trãi trong bài Hạ nhật mãn thành có câu: “nghiệp nhà truyền mỗi tấm chăn xanh” (傳家舊業只青氈). Lọn khuở đông, hằng nhờ bếp, suốt mùa hè, kẻo đắp chăn. (Trần tình 38.4).
câu 鈎
◎ Ss đối ứng kaw (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 188].
dt. lưỡi móc mồi nhử cá. Thương cá thác vì câu uốn lưỡi, ngẫm ruồi chết phải bát mồ hòn. (Bảo kính 182.3).
đgt. bắt cá bằng cần câu. (Ngôn chí 19.1)‖ Chim kêu cá lội yên đòi phận, câu quạnh cày nhàn dưỡng mỗ thân. (Mạn thuật 29.4) ‖ (Mạn thuật 33.6)‖ (Thuật hứng 54.6)‖ (Tự thán 101.5)‖ (Tự thuật 121.6). Nguyễn Trãi trong bài Đề từ trọng phủ canh ẩn đường có câu: “ta vốn là người cày nhàn câu quạnh” (本是耕閑釣寂人). Hiệp Bùi Cung đời Tống cũng có câu: “Cày nhàn câu quạnh dấu ngàn năm.” (耕閑釣寂千年迹).
dt. móc hình bán nguyệt khuyết. (Ngôn chí 14.4)‖ Ai ai đều đã bằng câu hết, nước chẳng còn có Sử Ngư. (Mạn thuật 36.7)‖ (Bảo kính 159.4, 162.1).
cửu cao 九臯
dt. chín cái đầm. Bài Hạc Minh phần Tiểu nhã trong Kinh Thi có câu: “Chim hạc kêu ở ngoài xa nơi chín đầm, mà tiếng còn nghe được trên cánh đồng.” (鶴鳴于九臯,聲聞于野 Hạc Minh vu cửu cao, thanh văn vu dã). Chu Hy chua rằng: “Tiếng hạc kêu cao chót vót mà trong trẻo, tiếng vang xa đến tám chín dặm.” Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch, kề nước cầm đưa tiếng cửu cao. (Mạn thuật 35.4). Đây tả tiếng đàn trong trẻo, tao nhã như tiếng hạc. Truyện Kiều có câu: trong như tiếng hạc bay qua. Nguyễn Trãi trong Đề Bá Nha cổ cầm đồ có câu: “Một tiếng hạc kêu nơi chín chằm lạnh.” (一聲鶴唳九皋寒 nhất thanh hạc lệ cửu cao hàn).
dập dìu 熠燿
◎ Phiên khác: rập rìu (ĐDA).
tt. đông đúc, nhộn nhịp, không khi nào ngớt. Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt, dập dìu là ấy chiêm bao. (Thuật hứng 52.8)‖ dật diều, dập diều. “bộ tới lui đông đảo” [Paulus của 1895: 225]. Có thể cách ghi này là chính tả theo âm đọc miền nam cuối thế kỷ XIX. Bởi chữ Nôm ghi ở đây vẫn có chung âm là -p. hoặc giả, đây là cách ghi của chữ Nôm hậu kỳ, chứ không phải từ thời của Nguyễn Trãi. Dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm (Nguyễn Du- Truyện ).
tt. <từ cổ> (vẻ phồn tạp) tầng tầng lớp lớp, cái cao cái thấp La ỷ dập dìu, hàng chợ họp, cửa nhà bịn rịn, tổ ong tàng. (Thuật hứng 55.5).
gác 擱
◎ Nôm: 閣 Ss với đối ứng: các (Tày) [HTA 2003: 47-48], cac, pạt [HV Ma 1984: 176]. AHV: các.
đgt. để, đặt, dừng, như gác bút, gác kiếm. Nguyễn Trãi có câu: “bến câu cá lạnh, chèo gác bãi” (釣渚魚寒棹擱沙 điếu chử ngư hàn trạo các sa). Đạp áng mây, ôm bó củi, ngồi bên suối, gác cần câu. (Trần tình 41.4).
gác Đông 閣東
dt. <Nho> dịch chữ đông các 東閣, là một tên gọi của hoa mai. TVG cho rằng “đông các là cái lầu chiêu hiền ở đời Hán. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường khi làm quan ở đông các có làm câu thơ: “Ở Đông Các ngắm hoa mai động thi hứng.” (東閣觀梅動詩興 đông các quan mai động thi hứng) [theo TVG, Schneider cho rằng: “Đây là cơ quan thuộc Hàn Lâm viện, nơi Nguyễn Trãi làm việc”. Tuy nhiên, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí Quan chức chí, dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông không có cơ quan đông các cũng như chức vụ đông các ở trong Hàn Lâm viện, mà phải đến năm 1471 mới có. Như vậy thuyết của TVG là không ổn. Theo Chỉ Nam ngọc âm môn hoa loại có ghi: “Trạng nguyên: hoa quế; đông các: hoa mai”. Có thể hiểu là: “hoa mai thực đã từng làm khách của nhà thơ, chứ đâu chỉ có kết bạn với mỗi mình với tiên Lâm Bô ” [theo PL 2012: 349]. Gác Đông ắt đã từng làm khách, há những bô tiên kết bạn chơi. (Mai thi 224.3). ở đây, rõ ràng nhà thơ đang chơi chữ, bài tả về hoa mai, nên câu nào cũng có điển về mai. Dùng chữ “gác Đông” ấy chính là trỏ đích danh hoa mai, nhưng lại muốn ẩn cái tên đó đi, mà uyển chuyển nói rằng, loài hoa này từng làm khách ở gác Đông, với hàm ý một loài hoa quý được trồng ở những nơi lầu sảnh quan trọng, tức là vừa trỏ cái cốt cách của hoa, cũng là trỏ cái sở dụng của hoa.
gạch 甓
◎ 󰍮, tục tự của bích 甓 (gạch), là chữ Nôm đọc nghĩa, chữ này đồng nguyên với bích 壁 (vách: cái xây bằng gạch). Kiểu tái lập: ?gak⁶ (a- gạch). Về ?g- [xem HT Ngọ 1999: 58, 61, 111, 114, 115]. Shimizu Masaaki cho rằng các ví dụ gày, gõ thuộc cấu trúc song âm tiết [2002: 768]. “gạch” (với *?g-) chuẩn đối với “sừng” (với *kr-) và đều được song tiết hoá.
dt. viên đất nung dùng để xây nhà. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Các bản khác đều phiên “gạch quẳng”, cho là điển “phao chuyên dẫn ngọc 拋磚引玉 (ném gạch ra để dẫn dụ ngọc đến) để nói về chuyện làm thơ [cụ thể xem TT Dương 2013c]. ở đây phiên “gạch khoảng nào bày với ngọc” dẫn điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương Sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “Hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. x. khoảng.
hai thớ ba dòng 𠄩庶𠀧𣳔
Thng trỏ người không chuyên nhất vào một nghề cố định nào. “hai thớ ba dòng” là biến thể của “hai thớ ba ròng”, là câu nói về gỗ. Gỗ tốt là thớ và ròng mạch lạc, thớ ra thớ, ròng ra ròng. Loại gỗ này mới thành khí được. Gỗ rừng, gỗ vườn thì nhiều nhưng gỗ làm nhà cửa đồ dùng tốt thì không quá 20 loại. Còn gỗ lẫn lộn “hai thớ ba ròng” là gỗ tạp, không làm được gì, nếu làm cũng bất đắc dĩ. Nghĩa là không chuyên dụng. Nguyễn Trãi nói về “nghề cầm tay” nên mượn thành ngữ nghề mộc để nói về người không tinh thông nghề, mỗi thứ biết một tí thì hoạ may mới có người cần đến [theo ý kiến của NH Vĩ]. Một cơm hai việc nhiều người muốn, hai thớ ba dòng hoà kẻ tham. (Bảo kính 173.5).
hàn 寒
tt. lạnh. Non hoang tranh vẽ trập hai ngàn, nước mấy dòng thanh, ngọc mấy hàn. (Tự thán 72.2). Ngọc mấy hàn: dịch chữ hàn ngọc (viên ngọc thanh lãnh) thường dùng để ví với vẻ đẹp thanh lãnh của tự nhiên (TVG) hoặc dung mạo của con người, Lý Quần Ngọc trong bài Dẫn thuỷ hành có câu “một dòng hàn ngọc chảy trong suối thu” (一條寒玉走秋泉 nhất điều hàn ngọc tẩu thu tuyền). Chữ “hàn ngọc” trong thơ Nguyễn Trãi có lẽ được dùng để ví với vẻ đẹp thanh lãnh của nước mấy dòng thanh. [PL 2012: 131]. Phiên khác: hoàn (ĐDA).
tt. <từ cổ> nghèo, trong bần hàn, hàn sĩ, cơ hàn. Giữ khuở phong lưu pha khuở khó, lấy khi phú quý đắp khi hàn. (Bảo kính 144.6).
hòng 烘
◎ Phiên khác: nung: cái hẹn đã nung nấu trong lòng (TVG), hồng: ngọn lửa bốc cháy, ý nói hạn của mình đang thời cao điểm, chắc bài thơ này làm lúc Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Côn Sơn (BVN), hồng: nung nấu (MQL, PL). Hòng: đã từng mong thực hiện được ước hẹn từ xưa như ngày nay. Hòng nghĩa là mong được, như nói: đừng có hòng! nay theo ĐDA.
đgt. <từ cổ> định, muốn, mong. Bẻ cái trúc hòng phân suối, quét con am để chứa mây. (Mạn thuật 28.3).
đgt. <từ cổ> “sắp tới…mệt hòng chết”. [Paulus của 1895: 445; Béhaine 1773]. Làm quan thơ dại, tài chẳng đủ, về ở thanh nhàn, hẹn đã hòng. (Thuật hứng 61.6)‖ Đổi thay nhạn cá đã hòng đầy niên kiều, nghĩa là “từ ngày thiếp về làm vợ chàng đến nay đã gần trọn một năm” [An Chi 2006 t5: 326].
hùm nằm chực 𤞻𦣰直
đc. hổ nằm phủ phục bên cạnh. Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.3), trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hoá được muông thú. Nguyễn Trãi trong bài Du nam hoa tự có câu: “hàng long phục hổ cơ màu huyền diệu sao?” (降龍伏虎機何妙 hàng long phục hổ cơ hà diệu) [ĐDA 1976: 745]. Nguyên từ điển ngữ hàng long phục hổ (khiến rồng hổ đều phải hàng phục). Phật giáo và Đạo giáo đều có điển này. Sách Bão Phác Tử ghi: “Đạo sĩ triệu bính dùng hơi mà ngăn người, người chẳng thể đứng dậy, ngăn hổ, hổ gục xuống đất, gằm đầu nhắm mắt, liền trói được hổ.” (道士趙炳 ,以氣禁人,人不能起。禁虎,虎伏地,低頭閉目,便可執縛). Đạo Tuyên trong Tục Cao Tăng Truyện phần Tập thiền truyện tăng trù có đoạn: “sư nghe thấy hai hổ đánh nhau, thét gầm chuyển núi, bèn dùng tích trượng đánh giải, hai hổ chạy mất” (聞两虎交鬭,咆响振巖, 乃以錫杖中解,各散而去). Đạt ma đa la (dharmatrāta) một a la hán thần thông tự tại, thường du hoá trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là la hán phục hổ, cùng với la hán hàng long là hai vị được đưa thêm vào danh sách thập lục la hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hoá bằng trí tuệ và đạo pháp.
hùng ngư 熊魚
dt. hùng: gấu, ngư: cá. La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng. (Thuật hứng 68.4). Sách Mạnh Tử thiên Cáo tử có câu: “Mạnh Tử nói: cá là món ta thích, tay gấu cũng là món ta thích. Nếu hai thứ ấy chẳng thế có cùng một lúc, thì thả cá mà lấy tay gấu. Sinh thì ta cũng muốn; nghĩa thì ta cũng muốn. Nếu hai thứ ấy chẳng thể cùng có, thì bỏ sống mà giữ lấy nghĩa vậy.” (孟子曰:魚我所欲也;熊掌亦我所欲也,二者不可得兼,舍魚而取熊掌者也。生亦我所欲也;義亦我所欲也,二者不可得兼,舍生而取義者也). Các cách phiên chú trước nay đều hiểu hùng ngư là món sơn hào hải vị [ĐD Anh 1976: 748; MQ Liên, 2001: 799; NT 2008: 115]. hùng ngư ở đây không phải là chuyện ẩm thực mà nó là cái biểu đạt (signifier) cho một thực thể tinh thần cao sang tối thượng: đạo nghĩa (signified). Như thế, câu thơ hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng có thể hiểu theo hai cách có tính lưỡng trị. Đó có thể là tuyên ngôn về lối hành xử của một nhà Nho hành đạo: thà chết chứ không bao giờ bỏ đạo nghĩa. Và thứ hai, nếu liên hệ đến cuộc đời của Nguyễn Trãi, thì đó còn là một câu tự nghiệm, một câu than thở, đau đớn và nghiệt ngã. Nếu như câu này ông viết khi bị thất sủng, khi tính mệnh bị đe hoạ, hơn nữa nếu như nó được viết trước khi ra pháp trường thì đó là những câu thơ tuyệt mệnh. Đâu còn là cái chuyện được lựa chọn nữa. Hoặc sống ư? hoặc giữ đạo nghĩa ư? cá không có mà tay gấu cũng không: chết thì chắc rồi mà đạo nghĩa cũng không giữ được. Ô danh thiên cổ: mưu cùng thiếp mọn giết vua, cái tiếng xấu ấy bao giờ gột được? đây có thể coi là những cảm xúc đau đớn tột độ sau những ngôn từ điển nhã, điềm tĩnh và sâu kín. [TT Dương 2011c: 13].
hẹn 限
AHV: hạn. x. ngần.
dt. sự ước định trước với ai đó sẽ làm việc gì. Làm quan thơ dại, tài chẳng đủ, về ở thanh nhàn, hẹn đã hòng. (Thuật hứng 61.6)‖ (Tự thán 107.5), Nguyễn Trãi trong bài Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác có câu: “Lâm tuyền có hẹn sao nỡ phụ, bụi đất cúi đầu ta tự thương.” (林泉有約那堪負, 塵土低頭只自憐 lâm tuyền hữu ước na kham phụ, trần thổ đê đầu chỉ tự lân)‖ (Tự thán 109.6)‖ (Tích cảnh thi 202.1)‖ (Đào hoa thi 231.3).
đgt. ước hẹn. Đông phong từ hẹn tin xuân đến, đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi. (Xuân hoa tuyệt cú 196.3).
khoảng 爌
◎ Là tục tự của 曠 [Vương Lực 1982: 344 - 347]. Phiên khác: “gạch quẳng: viên gạch vất đi” [TVG,1956: 92]. “hòn gạch đã vỡ mà quẳng đi lại còn đem bày với ngọc được sao?” [ĐDA 1976: 426, 762]. “quẳng” [Bùi Văn Nguyên 1994: 90], “une brique jetée ne peut être placée à côté du jade” [Paul Schneilder 1987: 163]. “viên gạch vỡ vất (quẳng) đi. Đời Đường, nhà thơ nổi tiếng hiệu hà qua đất ngô. Tiến sĩ thường kiến biết hà sẽ đi qua chùa linh nham, bèn đề trước lên vách hai câu thơ. Khi hà đến, quả nhiên đề tiếp thành bài tứ tuyệt tuyệt hay. Mọi người bảo đó là ‘ném gạch dụ dẫn ngọc’, ý chỉ lấy cái thô thiển để lôi kéo cái cao minh. Sau thành điển phao chuyên dẫn ngọc” [MQL 2001: 848].
tt. quãng, khi (từ dùng để hỏi thời gian), khoảng nào nghĩa là “khi nào”. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Phiên là “khoảng” vì những lý do như sau. Thứ nhất, đọc lại cả bài thơ chúng ta sẽ thấy bài Tự thuật này không có cứ liệu nào hé mở về chuyện Nguyễn Trãi đang bàn đến việc “phao chuyên dẫn ngọc” trong khi làm thơ. Bài thơ đậm chất thể nghiệm về cuộc sống, với mật độ dày đặc của các từ ngữ, điển cố, thành ngữ nói về cuộc sống, nhân sinh, đạo đức, tư văn của nho gia. Này là chuyện “tranh giành thời cơ”, chuyện được mất tình cờ trong cuộc sống, này là chuyện ăn ở ở đời, chuyện làm lành làm dữ, chuyện đức chuyện tài… Chúng ta không thấy con người thi nhân đâu cả, mà chỉ thấy một Nguyễn Trãi ưu thời trong cõi thế thái nhân tình. Thứ hai, về luật đối, chúng ta thử đọc lại câu thơ trong liên thơ của nó: gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. Chữ “khoảng nào” đối với chữ “hằng những”. Nếu phiên “quẳng” thì sẽ phạm lỗi ngữ pháp, “quẳng” không đối với “hằng” được. Thứ ba, về ngữ liệu: câu 3 dùng điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm tình ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. dân gian có chuyện, có anh học trò đi xin ăn, gặp ông quan, ông quan bảo: nay mười tư mai lại hôm rằm, học trò không làm, học trò đói ngàn năm. Anh học trò bảo: nay mồng một mai lại mồng hai, sừng không mọc, sừng mọc qua tai. Ý chuyện này nói rằng: cái sừng vốn mọc sau nhưng lại dài hơn tai, cũng như kẻ thiếu niên thường hay muốn vượt lên trên những người đi trước [chuyển ý ĐDA 1976: 762]. Dầu thấy hậu sinh thì dễ sợ, sừng kia chẳng mọc mọc hơn tai. (Bạch Vân )‖ Hay đâu tai mọc qua sừng, mới biết da kia hơn ruột (Sơn Hậu, 8).
la ỷ lấy đâu chăng lưới thưới 羅綺𥙩兜庄䋥洒
đc. Thuyết Uyển phần Thần thuật (thuật của bề tôi) của Lưu Hướng đời Hán có đoạn: “Tề Uy Vương đi chơi ở dao đài, Thành Hầu Khanh đến tâu việc, ngựa xe theo hầu trang sức lụa là thậm đẹp, vương thấy thế nói với tả hữu rằng: ‘người đang đến kia là ai?’. Tả hữu trả lời rằng: “là Thành Hầu Khanh vậy”. Nhà vua nói: “nước đang rất nghèo khó tại sao phải trang sức hoa lệ thế kia?”. Tả hữu thưa: “Người ban bổng lộc cho người khác thì có quyền yêu cầu người đó. Người nhận bổng lộc của người khác thì phải tận nghĩa vụ với người đó”. Vương muốn hỏi rõ về việc này. Thành Hầu Khanh đến, tâu lên rằng: ‘thần là kị’. Vương không đáp. Lại tâu: ‘thần là kị’. Vương cũng vẫn không đáp. Lại tâu: ‘thần là kị’. Vương rằng: ‘nước nghèo xác, làm sao mà xa hoa thế?’. Thành Hầu Khanh rằng: ‘xin tha thần tội chết để cho thần được nói’. Vua rằng: ‘được’. Thưa rằng: ‘kị tiến cử Điền Cư Tử trị lí tây hà mà (khiến) tần và lương đều suy yếu, kị tiến cử Điền Giải Tử trị lí nam thành, mà người nước sở mang lụa là đến triều bái, kị tiến tiến cử Kiềm Trác Tử trị lí minh châu, mà người nước yên dâng gia súc, người nước triệu dâng lúa thóc; kị tiến cử Điền Chủng Thủ Tử trị lí tức mặc, mà nước Tề an bình; kị tiến cử Bắc Quách Điêu Bột Tử làm chức đại sĩ, mà cửu tộc thêm thân, nhân dân thêm giàu. Thần đã cất cử mấy người giỏi như thế, bệ hạ chỉ việc kê cao gối mà nằm, việc gì phải lo nước nghèo vậy thay!’”. La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng. (Thuật hứng 68.3). Trong câu này, Nguyễn Trãi đang bàn đến chuyện “tài năng”, đến cái thuật làm tôi. la ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, theo nghĩa đen của từng con chữ có thể giải nghĩa như sau: “lụa là lấy đâu ra mà chăng mắc la liệt?” chữ “lấy đâu” là một nghi vấn từ để phủ định, nó đối với chữ “khôn kiếm” ở câu dưới. Ngầm sâu hơn dưới các con chữ là một hàm ý về sự thất sủng. Làm sao có được cái “thần thuật” như của Thành Hầu Khanh? mà dẫu có tài năng như Thành Hầu Khanh đi chăng nữa thì cũng là vô dụng rồi, đã bị vô hiệu hoá rồi. [TT Dương 2011c]. x. hùng ngư.
luỹ 壘
dt. bờ tường, bờ thành. Thục Đế để thành trêu tức, phong vương đắp luỹ khóc rân. (Điệp trận 250.6). Đây trỏ việc ong xây tổ. Vì đang nói đến “trận” của loài bướm nên dùng chữ “luỹ” để hô ứng, đây là thủ pháp chơi chữ hay thấy của Nguyễn Trãi.
làm lành 𫜵冷 / 𬈋冷
đgt. <Nho> dịch chữ vi thiện 為善 (hành thiện, làm việc thiện). Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: Tử Lộ kia, người ta đem chuyện lỗi lầm nói với nó thì nó lại vui. Trong khi, vua vũ nghe điều thiện thì vái lạy. Vua Thuấn cao hơn cả, cùng người làm việc thiện. Bỏ ý của riêng mình mà thuận theo ý của dân, dân vui thì cho đó là làm điều thiện.tự cày, tự gieo hạt, tự đào giếng, tự câu cá cho đến làm vua, không có việc nào là không theo dân. Theo dân là làm điều thiện, ấy là cùng dân làm điều thiện vậy. Cho nên, quân tử không có việc gì quan trọng bằng việc làm điều thiện cùng với dân.” (孟子曰:“子路,人告之以有過則喜。禹聞善言則拜。大舜有大焉,善與人同。舍己從人,樂取於人以為善。自耕、稼、陶、漁以至為帝,無非取於人者。取諸人以為善,是與人為善者也。故君子莫大乎與人為善). hậu Hán Thư phần Liệt truyện ghi: “Có hôm hỏi Đông Bình Vương rằng ở nhà thì việc gì là vui nhất. Vương trả lời rằng làm thiện là vui nhất, lời ấy thực cao rộng, thực đáng là lời nằm lòng.” (日者問東平王處家何等最樂,王言為善最樂,其言甚大,副是要腹矣). Nguyễn Trãi từng viết: “sửa mình mới biết thiện là vui” (修己但知善為樂 tu kỷ đãn tri thiện vi lạc). Làm lành mới cậy chớ làm dữ, có đức thì hơn nữa có tài. (Tự thán 92.5, 99.8)‖ (Bảo kính 147.5).
lòng đan 𢚸丹
dt. <từ cổ> lòng son, lòng thành, tấm lòng trung, dịch chữ đan tâm 丹心. Nguyễn Tịch đời Tam Quốc trong vịnh hoài có câu: “Lòng son mất ơn trạch, đức nặng trật chốn ngơi.” (丹心失恩澤,重德喪所宜 đan tâm thất ân trạch, trọng đức táng sở nghi). Văn Thiên Tường đời Tống trong bài Quá linh đinh dương có câu: “Sống xưa nay ai mà chẳng chết, giữ lòng son mà viết sử xanh.” (人生自古誰無死,留取丹心照汗青 nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh). Đốt lòng đan chăng bén tục, bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).
dt. lòng đơn (chơi chữ nước đôi). “dại lòng đan là cái dại đan róng mốt sơ sài để che chắn nên ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu (nhật nguyệt thâu). Trong nghề đan lát, có những từ nghề nghiệp chỉ cách đan hoặc tả mặt đan. Róng (hoặc lóng, dóng, nong) mốt, róng hai, róng ba, róng bốn, róng năm… là chỉ cách gài nan. Còn để tả mặt đan khi sản phẩm đã hoàn thành người ta nói: lòng đan, lòng kép, lòng thia, lòng gấm. lòng đan để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng mốt tạo nên. lòng kép để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng hai róng ba tạo nên. lòng thia để chỉ hoa văn mẹt sảy, nia sảy mà trên đó, nan dọc lao đi cách quãng như ném thia lia trên mặt nước. Dụng cụ này khi sảy, người ta sảy dọc để dễ thoát những phần tử nhẹ, khi gằn để gạn, người ta người ta gằn ngang để dễ giữ lại cát sạn hoặc phần tử được chọn dễ mắc vào nan dọc. lòng gấm để chỉ hoa văn do cách đan phức tạp tạo ra những hình như dệt gấm… có thể diễn ý rõ ra cái nghĩa này như sau: cửa ngọc là ngọc môn, chỉ nơi ở của vua, mà nơi đó đã chìm khuất sau sương khói xa xôi; còn ở nơi này chỉ là ngôi nhà phên vách đơn sơ, suốt ngày, ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu qua. Nhưng đó là nghĩa thực, lớp nghĩa thứ nhất của câu thơ. Bởi vì lòng đan còn có nghĩa là lòng son, là đan tâm (tấm lòng trung thành bền chặt), nhật nguyệt còn chỉ minh quân, chỉ vũ trụ, đất trời cho nên câu thơ còn hàm ý biểu hiện: tấm lòng trung thành bền chặt của ta đã có mặt trời mặt trăng soi thấu. ở đây rõ ràng câu thơ Nguyễn Trãi sử dụng yếu tố chơi chữ sâu kín và thầm lắng. Chúng tôi cũng đã nói về yếu tố chơi chữ đã xuất hiện trong quốc âm thi tập khi phân tích những chữ cấn cấnthia thia trong bài trước (ngòi khan ước ở làm cấn cấn, cửa quyền biếng mặc áo thê thê). Yếu tố chơi chữ này về sau, trong thơ nôm đã thực sự bùng nổ với phong phú những cách thức, những quan niệm. Cũng chính yếu tố này làm cho việc hiểu và phiên thơ nôm nhiều khi lưỡng lự, băn khoăn dẫn đến những giải pháp rất khác nhau, đôi tranh với nhau. ở trường hợp này đọc dại lòng đan vẫn có thể hiểu lớp nghĩa giãi lòng son như thường khi mà giại, giãi, dãi trong tiếng khu bốn đến nay vẫn phát âm không phân biệt và cũng còn nhiều chứng cứ ngữ âm về sự không phân biệt này cách đây ba bốn thế kỉ, dù ở bắc hay ở trung. Khu bốn chỉ là hình thức bảo lưu khi kinh kì phát triển nhanh và không ngừng mà thôi.” [NH Vĩ 2010: 662]. “rổ lồng hai: rổ đan bắt hai tre bỏ hai tre. rổ lồng mốt: rổ đan bắt một bỏ một tre” [VX Trang: 264]. Song cửa ngọc, vân yên cách, dại lòng đan nhật nguyệt thâu. (Trần tình 40.4). long, lồng, nong.
lạ 邏
tt. trái với quen. Khách lạ đến ngàn hoa chửa rụng, câu mầu ngâm dạ nguyệt càng cao. (Thuật hứng 52.3)‖ Khách hiền nào quản quen cùng lạ, cơm đói nài chi hẩm lẫn khê. (Bảo kính 141.3).
tt. <từ cổ> đẹp, dịch chữ kỳ 奇 trong sơn kỳ thuỷ tú 山奇水秀 (nước non đẹp đẽ). Chữ lạ là một sản phẩm của quá trình dịch đối âm tiết. Bởi chữ kỳ vốn có nghĩa cơ bản nhất là “lạ” (khác lạ), lưu tích còn thấy trong từ kỳ lạ. Người xưa hay quen dùng âm “lạ” này để dịch cho nghĩa “đẹp” của chữ kỳ rồi sau nữa, do dùng nhiều thành quen, chữ “lạ” còn được dùng để dịch cho chữ mỹ, hảo. thơ nôm Nguyễn Trãi phần lớn chữ “lạ” dùng với nghĩa “đẹp” (khi đề cập đến người và cảnh sắc) và “tươi tốt” (khi tả cây cối, x. nghĩa③), chỉ có hai lần dùng với nghĩa “khác lạ”. Cảnh lạ đêm thanh. (Ngôn chí 19.2)‖ (Trần tình 42.2)‖ Non lạ nước thanh. (Thuật hứng 54.3)‖ Thương cảnh vì nhân cảnh hữu tình, huống chi người lạ cảnh hoà thanh. (Tích cảnh thi 207.2), người lạ dịch chữ mỹ nhân 美人. “chữ lạ trong thơ Nguyễn Trãi và thơ ca đương thời rất thường dùng với nghĩa khác ngày nay, chỉ sự tươi đẹp về hình thức. Nó là kỳ chứ không là dị trong hán tự. Còn hữu tình thì bao giờ cũng đa nghĩa. Hà cớ chi nàng điểm bích trong thiền uyển tập anh khi đổ cho nhà sư Huyền Quang gạ gẫm cái chuyện ấy lại viết rất phúng dụ: người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ, mầu thích ca nào thủa hữu tình. Cũng là lạ với hữu tình ấy cả thôi làm cho Nguyễn Trãi thật rối lòng.” [NH Vĩ 2009].
tt. tươi tốt, dẫn thân từ nghĩa② . (Cúc 216.2)‖ (Trúc thi 223.3)‖ Từ bén hơi xuân tốt lại thêm, đầy buồng lạ màu thâu đêm. (Ba tiêu 236.2)‖ (Mộc cận 237.4). x. tốt lạ.
lần từng đốt mới hay mùi 吝曾炪買咍味
đc. thời Tấn An đế có Cố Khải Chi 顧榿之 làm chức hổ đầu tướng quân, mỗi khi ăn mía, ông hay ăn dần từ ngọn xuống. Có người hỏi, ông đáp : ‘như thế càng ăn càng đi đến chỗ thú vị’ (theo Thượng hữu lục 尚友錄). Chẳng bèn dời chân tới vườn mía, bắt chước hổ đầu tướng quân vậy. (TKML q.iii, 40b). ở đây Nguyễn Trãi cũng chơi chữ khá vi tế. Chữ “thú” ở câu trên “ăn nước kìa ai được thú” hô ứng với chữ “mùi” (vị) ở dưới để nhắc đến hai chữ “thú vị” trong câu nói của Cố Khải Chi. Ăn nước kìa ai được thú, lần từng đốt mới hay mùi. (Giá 238.4).
mềm 𱙩 / 𣼺 / 𩞝
tt. trái với cứng. Non cao non thấp mây thuộc, cây cứng cây mềm gió hay. (Mạn thuật 26.4)‖ (Bảo kính 158.1)‖ (Tích cảnh thi 200.2, 206.1).
đgt. trong từ mềm lòng. giống như động lòng, xao lòng. Cực thấy ngoài hiên tơ liễu rủ, một phen liễu rủ một phen mềm. (Tích cảnh thi 205.4).
tt. <đạo, nho> dịch chữ nhu nhược 柔弱 (yếu mềm). Sách Đạo Đức Kinh ghi: “Trong trời đất không gì mềm yếu bằng nước, thế mà mọi thứ cứng mạnh chẳng thể thắng nổi nước. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng cứng; trong thiên hạ ai mà không biết cái lẽ ấy thì chẳng thể hành sự được.” (天下莫柔弱於水,而攻堅強者莫之能勝,其無以易之。弱之勝強,柔之勝剛,天下莫不知,莫能行 thiên hạ mạc nhu nhược ư thuỷ, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương, thiên hạ bất tri, mạc năng hành). Sách Lễ Ký thiên Tuy y có câu: “Tiểu nhân chết đuối vì nước, đại nhân chết đuối bởi dân.” (小人溺於水,大人溺於民). Sách Khổng Tử gia ngữ ghi: “Vua là thuyền, dân là nước. Nước để chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền.” (夫君者、舟也;庶人者、水也。水所以載舟,亦所以覆舟 phù quân giả chu dã; thứ nhân giả thuỷ dã. Thuỷ sở dĩ tải chu, diệc sở dĩ phúc chu). Nguyễn Trãi trong bài Quan hải có câu: “Lật thuyền mới tin dân còn như nước.” (覆舟始信民猶水 phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ). “nước là chất mềm, người ta hay đùa bỡn với nước mà không biết nước là một thứ nguy hiểm, nên thường bị chết đuối. Dân là cỗi rễ của nước, tuy chất phác thật thà nhưng không ai có thể khinh rẻ được, nếu vua chúa mà bỏ dân không bảo vệ dân thì lòng dân phân li mà sự phản bội sẽ theo đến ngay” [TVG,1956: 107]. Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết, ghê thay thế nước vị qua mềm. (Tự thuật 115.8).
một dường 蔑羕
p. <từ cổ> như nhau, hoàn toàn, dịch chữ nhất dạng 一樣 (Trước sau vẫn cứ như thế). (Mạn thuật 31.2)‖ Hoa còn để rụng lem đất, cửa một dường cài sệt then. (Tức sự 124.6)‖ (Lão mai 215.8)‖ Cốt cách già càng thanh một dường. (Hồng Đức QATT, 30). “trong văn bản nôm, một dường là một từ ghép, có nghĩa và được dùng nhiều, các cụ sâu sắc hán nôm nên không ai băn khoăn cả. Ta gặp: linh đài sạch một dường thanh (31.2); Duềnh sông thẳm một dường xuân (HĐQA 81.7); gió một dường lay lách đến. (Hồng Đức 79/5). Chúng ta thấy rằng hai chữ một dường vốn từ nhất dạng 一樣 của hán văn mà ra. Chữ dạng vốn có nghĩa là dáng, vẻ, khuôn mẫu định sẵn. Khi kết hợp với nhất, lúc đầu nó có nghĩa gần thực là một vẻ, một dáng, một khuôn, sau đó nó có nghĩa là cứ khăng khăng theo mẫu mà làm, bất chấp điều kiện, Hoàn Cảnh, dư luận. Trong ba câu vừa trích, câu cuối có nghĩa gần nhất với chữ một dường mà Nguyễn Trãi đang dùng. Bài thơ tả cảnh nàng Chiêu Quân trên đường sang cống hồ, ra khỏi biên ải, trăng gió vô cảm mặc kệ giai nhân: gió một dường lay lách đến / trăng nào khứng nói năng cùng. nhất dạng đã phổ biến trong văn bản đời Đường, có thể qua mạng tìm ra hàng dãy ngữ liệu. Chữ một dường cũng có nghĩa như vậy. Trong tiếng Việt ta còn có những chữ rất gần gũi với một dường như một mực, một mạch, một kiểu… cửa một dường nghĩa là cửa thì cứ vậy mặc kệ. trong luật đối của thơ, một dường đối chỉn chu với còn để ở câu trên.” [NH Vĩ 2010].
Nghiễn trung ngưu 硯中牛
dt. trâu nằm trong cái nghiên mực. Tên bài số 254. Thời xưa, người ta thường khắc hình một con trâu nằm trong nghiên mực, dùng để trang trí. Nguyễn Trãi mượn lối vịnh vật để nói về đạo học của các nhà Nho.
nhụ tử 孺子
dt. <Nho> trẻ con. Cưu lòng nhụ tử làm thơ dại, ca khúc Thương Lang biết trọc thanh. (Tự thán 96.5). Sách Mạnh Tử thiên Ly lâu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: có thể nói chuyện với bọn bất nhân chăng? chúng coi chỗ nguy hiểm là an toàn, coi chỗ tối tăm là lợi lộc, lại vui với những cái làm hại mình. Đã có thể nói chuyện được với bọn bất nhân ấy thì thế nào chả có lúc mất nước tan nhà? có cậu bé (nhụ tử) hát rằng: nước Thương Lang trong chừ, có thể rửa dải mũ; nước Thương Lang đục chừ, có thể cùng rửa chân’. Khổng Tử nói: ‘các con nghe lấy! trong thì gột mũ, đục thì rửa chân, ấy là nói về đức tự giữ mình’. Ôi, người tự khinh mình trước rồi sau người đời sẽ khinh cho; nhà tự hủ nát, thì người sẽ phá đi; nước đã tự đánh mình thì sau sẽ có người chinh phạt. Sách Thái Giáp viết: ‘trời làm tai nghiệt, thì ta còn có thể làm trái lại; chứ tự mình tạo ra tai nghiệt thì sống sao nổi’ (câu này ý nói là như vậy đấy). Chữ nhụ tử ở câu trên hàm ý trỏ Khuất Nguyên - kẻ ngây thơ như con trẻ. Đây là lối uyển ngữ mà Nguyễn Trãi đã mượn dùng từ Mạnh Tử.
nối 挼
◎ Ss đối ứng nol, noj (18 thổ ngữ Mường), k’ap (1) [NV Tài 2005: 256].
đgt. kế thừa, tiếp tục truyền thừa, kế nghiệp Nghiệp Lưu Quý thịnh, đâu truyền báu, bia Nguỵ Trưng cao, há nối tông. (Bảo kính 130.4)‖ Nối nghiệp (Bảo kính 166.1), kế nghiệp cha ông, ý nói Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn đời Trần Duệ Tông, còn Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh đời Hồ ‖ (Giới sắc 190.8).
đgt. chắp lại. Chân tay dầu đứt bề khôn nối, xống áo chăng còn mô dễ xin. (Bảo kính 142.5).
phun 噴
AHV: phún (bắn nước miếng ra ngoài, sau trỏ chung việc nước bắn). Nguyễn Trãi trong bài Chu trung ngẫu thành viết: “gió trời thổi bốc, sóng hoa phun” (天風吹起浪花噴 thiên phong xuy khởi lãng hoa phun).
đgt. nhả ra mạnh mẽ, thường trỏ giai đoạn mà thực vật phát dục và sinh trưởng mạnh mẽ nhất. Tiếng Hán có tính từ phún phún 噴噴 trỏ mùi hương rất đậm nồng, và danh từ phún 噴 trỏ “chính vụ của mùa hoa trái”, ví dụ 楊桃正在噴兒上 (khế đang chính vụ). Thệu lệu hiên còn phun thức đỏ, hồng liên đìa đã tịn mùi hương. (Bảo kính 170.3).
Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác 歸崑山重九偶作
dt. tên bài số 189, nghĩa là ngẫu nhiên ứng tác bài thơ khi về Côn Sơn vào ngày tết trùng dương mùng 9 tháng 9. Côn Sơn là một không gian địa lý đặc biệt với Nguyễn Trãi. Nơi đây là trang ấp của Trần Nguyên Đán- ông ngoại của nhà thơ. Từ bé Nguyễn Trãi đã sống với ông ngoại, và sau 1428, đây cũng là nơi chốn đi về của Nguyễn Trãi. Côn Sơn không chỉ là miền ẩn cư mà là chốn quê nhà, cao hơn Côn Sơn là một biểu tượng tinh thần trong tâm tưởng của nhà thơ, là nơi chốn an lành để ông về khi mỗi lần vấp ngã trên chốn quan trường, là bến đỗ cuối cùng của một tâm hồn luôn bị giằng xé giữa lý tưởng và hiện thực.
rây 籂
AHV: si.
đgt. (ánh sáng) chiếu qua các khe hở. Nguyễn Trãi trong bài Chu trung ngẫu thành có câu: “nửa rừng nắng rây cây sương khói” (半林殘照篩煙樹 bán lâm tàn chiếu si yên thụ). Trị dân sơ lập lòng cho chính, có nước thường in nguyệt khá rây. (Bảo kính 137.6).
rêu 嫽
◎ (sic) < 燎, hiện tượng nhầm từ bộ hoả thành bộ nữ, thanh phù: liêu. Kiểu tái lập: *hrɛw¹ > rêu. [TT Dương 2013b]. Khảo dị: bản B ghi {艹 + 尞}. Phiên khác: lèo: lèo buồm (TVG), rều (ĐDA), diều: cái diều (BVN), rìu (Schneider). Nay theo nhóm MQL.
dt. dịch chữ đài 苔. Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi, rêu bụi bụi thấy tiên đâu. (Trần tình 41.8). Mượn ý từ bài Tái đáo Thiên Thai của Tào Đường: “Lại đến Thiên Thai hỏi ngọc chân, rêu xanh đá trắng hoá bụi trần.” (再到天台訪玉真,蒼苔白石已成塵 tái đáo Thiên Thai phỏng ngọc chân, thương đài Bạch Thạch dĩ thành trần). x. Vương Chất. ở đây ý thơ đan cài hai điển khác nhau. Câu trên là nói về việc Vương Chất gặp tiên, câu dưới lại chắp ý thơ “rêu thành bụi trần” của Tào Đường về việc gặp tiên của hai chàng Lưu Nguyễn. Hiện tượng mỗi câu dùng một điển là một thủ pháp thường thấy trong thơ Nguyễn Trãi. x. bụi bụi.
rửa 瀉 / 𣳮
AHV: tả. Kiểu tái lập từ ngữ liệu của Chu Lễ: *sah [Schuessler 2007: 537]. Nguyễn tài cẩn gợi ý đến khả năng song tiết hoá ở Việt-Chứt [1997: 118]. Cứ liệu ngữ âm hiện còn cho phép xác định đó có khả năng là tổ hợp phụ âm đầu: rửa ráy được ghi bằng 𪡉󱞮 (cá 个+ lã 呂,cá 个+ tái 塞), kiểu tái lập có thể là *ksả *ksái, nguyên văn: rửa ráy rén hót nhơ <洗濯頻除穢 (Phật Thuyết 15a5). Cứ liệu ngữ nghĩa: rửa được ghi bằng chữ Nôm 𤀗 ở thế kỷ XVI-XVII được dùng để đối dịch chữ tẩy 洗: lời nhơ nói xấu, phiền ngươi rửa đấy ← 蕪辭穢語煩公洗之 (TKML i 13b12). Như thế, chữ rửa ráy 瀉洗 là một từ Hán Việt Việt tạo. Quá trình biến đổi ngữ âm từ Hán sang Việt như sau: *sah *sai>*ksả *ksái> rửa ráy. *ksả *ksái là âm HHVH ở tiếng Việt tiền cổ, rửa ráy là âm HHVH ở giai đoạn tiếng Việt cổ (xiii- xvi), đến nay vẫn dùng. Tương ứng: đi tả/ đi rửa. Từ Hán Việt như tả lị, trong đó thổ tả 吐瀉 (trên nôn dưới rửa) còn cho lối nói đi rửa ruột, sau được dùng để rủa: đồ thổ tả. rửa xuất hiện trong một số từ kép và một số kết hợp như: rửa ráy, giặt rửa, gột rửa, rửa thù, rửa hận, rửa nhục, rửa tội, rửa chân tay, rửa ảnh, rửa tiền. sớm rửa cưa trưa mài đục. Thng Phiên khác: tả: chảy rốc xuống (TVG, ĐDA, BVN), dã: giải, làm cho bớt sức theo ghi nhận của Paulus của 1895 và Génibrel 1898 (Schneider, MQL, PL).
đgt. (mưa, thác) tưới xuống, đổ xuống. Lục Du trong bài Vũ dạ có câu: “Mưa rào như suối rửa ngòi sâu, nhà không nằm trước ngọn đèn sầu.” (急雨如河瀉瓦溝,空堂卧對一燈幽 cấp vũ như hà tả ngoã câu, không đường ngoại đối nhất đăng u). Tào khê rửa nghìn tầm suối, sạch chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.7), chữ rửa ở câu này dùng với hai nghĩa, ở câu trên là tả cảnh thác đổ, nhưng khi ý thơ vắt dòng xuống câu dưới thì rửa đã mang nghĩa gột rửa. Đây là một ví dụ nữa cho việc chơi chữ nước đôi có hệ thống và có chủ ý trong thơ Nguyễn Trãi.
đgt. gột cho hết (bẩn, buồn,…), rửa cho sạch. thuỷ hử toàn truyện có câu: “Ngâm thơ như muốn rửa sầu ngàn cân.” (吟詩欲瀉百重愁 ngâm thi dục tả bách trọng sầu). Rửa lòng thanh, vị núc nác, vun đất ải, rãnh mùng tơi. (Ngôn chí 10.3)‖ Say mùi đạo chè ba chén, rửa lòng phiền thơ bốn câu. (Thuật hứng 58.6)‖ (Tự thuật 114.6). Hiện còn nói: mưa rửa chùa, mưa rửa núi.
sưa 疏
AHV: sơ. Âm HTC shū < srjo < *srja [Baxter 1992: 206]. Ss đối ứng ʂɯə, t’ɯə (2 thổ ngữ Mường), hɤl (10), hɤn (4) [NV Tài 2005: 278].
tt. sơ, trái với dày, đặc. Nguyễn Trãi trong bài Mạn thành: “Trước cửa không xe ngựa, bạn cũ thưa.” (門無車馬故人疏 môn vô xa mã cố nhân sơ). Lại có một cành ngoài ấy lẻ, bóng sưa ánh nước động người vay. (Mai thi 225.4)‖ Bóng sưa ánh nước động người vay, sầm đưa hương một nguyệt hay. (Mai thi 226.1).
sệt 𪩤
◎ Kiểu tái lập: *krệt. *krệt > sệt ~ trệt, *krệt > lệt ~ lết. Có các kết hợp hậu kỳ: lệt sệt. “giờ đây đến chữ sệt. Như đã nói, chữ này có mã {cự 巨 + liệt 列} … chữ này đã từng được phiên lướt, trượt, Schneider phiên rít, Nguyễn Quang Hồng phiên sít ; chúng tôi đưa thêm các phương án khít, trệt, quệt, trợt… để lựa chọn và thấy rằng: không phiên lướt được vì phương án này giả thiết văn bản là lầm, không nên. Không phiên rítsít được vì đây là cửa của một ngôi lều tạm bợ, đơn sơ chứ không phải cửa ngăn bức bàn. khít, trệt, quệt, trợt cũng không ổn vì sẽ có những cách ghi tạo chữ khác tiện lợi hơn. Còn lại hai khả năng là Trượtsệt. khả năng Trượt có hai vấn đề: thứ nhất, có thể dùng triệt hoặc trật để ghi âm thuận lợi, không cần yếu tố phụ cự, thứ hai, Trượt có hai nghĩa nên tạo ra tình thế phân vân: Trượt (không trúng) và Trượt (chuyển động sát trên bề mặt một vật khác). Chỉ còn lại phương án sệt là khả thủ nhất nhưng cần biện luận. Về ngữ âm là rất ổn nhưng về ngữ nghĩa chúng tôi thấy như sau. Trước hết về chữ then, chúng ta thường chỉ hiểu chữ then là bộ phận để chốt cửa bằng vật liệu rắn có hình chữ nhật dài và mỏng. Đặc biệt khi nó lại đi cùng chữ cài. Tuy nhiên, chữ then còn có nghĩa (mà nghĩa này tôi cho là gốc hơn) là những thanh chịu lực nằm ngang trong một kết cấu vật dụng hình chữ nhật,… ví dụ trong một cánh cửa, thanh gỗ dọc gọi là mạ, các thanh ngang trên, giữa, dưới gọi là then: then trên, then giữa, then dưới. Trong một cái giường, thanh dọc gọi là mạ, ngang hai đầu gọi là thủ, ngang giữa gọi là then. Các kiểu chốt cửa chủ yếu được lắp ở then giữa nên cài cửa cũng được gọi là cài then. Có thể từ đó mà cái chốt lắp ở then đó cũng được gọi là then. Chữ cài thì không hẳn chỉ cụ thể công việc cài cái then cửa mà thường được Nguyễn Trãi dùng như là đóng cửa, khép cửa vậy. Câu thơ chăng cài cửa tiếc non che khuất là vậy. Tiếc non bị che khuất thì không đóng cửa chứ, đằng này đóng mà không cài thì non cứ bị che khuất cơ mà. Vậy chữ cài mang nghĩa là khép, đóng. Ta hiểu câu thơ cửa một dường cài sệt then diễn ý là cửa thì kệ thế, bao giờ khép cũng rê lệt sệt cái then giữa nền, mặc ai có kẻ thì chê có kẻ khen (như câu thơ phần mở bài), khi mà thế thái đã biến bạc làm đen (như câu thơ kết thúc). Đó chính là cái cửa tuềnh toàng của căn lều lá mà Nguyễn Trãi đã chái lên.” [NH Vĩ 2010]. Phiên khác: lướt (TVG, ĐDA, BVN, NTN), Trượt (MQL).
tt. trệt, kéo lết trên mặt đất. Hoa còn để rụng lem đất, cửa một dường cài sệt then. (Tức sự 124.6).
thuật hứng 述興
dt. tên của chùm 25 bài thơ từ số 46 đến số 70 trong QATT. Thuật hứng nghĩa là kể lại những tâm sự, những cảm hứng của mình trong cuộc đời. Có hai dòng tâm sự chính yếu trong các bài này. Thứ nhất là tư tưởng nhập thế, với những tâm sự về chính trường về quan hệ nhân luân: vua- tôi, cha- con, về cửa quyền, về quan lộc, về một tấm lòng ưu ái đêm ngày cuồn cuộn như nước triều đông. Thứ hai là sự gọi mời của con người thi sĩ, con người nội tâm luôn hướng về ruộng vườn, về đường hoa, cửa trúc, về ao niềng niễng, cá đòng đòng. Đó là hai con người xuất- xử, hành- tàng trong thơ Nguyễn Trãi.
Thương Chu 商周
dt. nhà Thương (1600 - 1100 tcn) và nhà Chu (1100 - 256 ctn) hai triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, sá lánh thân nhàn, khuở việc rồi. (Ngôn chí 2.1)‖ (Thuật hứng 58.4). Để hiểu cái lòng phiền của ông, gắn với ngữ liệu Thương Chu có lẽ chính thơ chữ Hán nói rõ hơn cả. Đó là bài Chu Công phụ thành vương đồ (đề bức tranh Chu Công phụ bật cho thành vương), một bài thơ ông biện biệt (đôi) rõ nhất cái lẽ Thương Chu ta đang quan tâm: “người phụ chính mật thiết và nhu nhẫn thì phải nhớ đến Chu Công, ứng xử cảnh quyền biến thì không ai sánh cùng Y Doãn. Di ngôn để ở ghế ngọc luôn giữ trong tâm niệm, hộp buộc dây vàng sự xưa đâu dám kể công. Đã tự nhiệm việc tôn phò vương thất lúc an lúc nguy, thì tả hữu không ai là không phò thánh chúa. Tử Mạnh may ra cũng chỉ phảng phất thấy tí thôi, việc ủng phò chiêu đế cũng chịu khoanh tay đứng dưới gió.” (懿親輔政想周公, 處變誰將伊尹同. 玉几遺言常在念, 金藤故事感言功. 安危自任扶王室, 左右無非保聖躬.子孟豈能占彷彿, 擁昭僅可挹餘風 ý thân phụ chính tưởng Chu Công, xử biến thuỳ tương Y Doãn đồng. Ngọc kỷ di ngôn thường tại niệm, kim đằng cố sự cảm ngôn công. An nguy tự nhiệm phù vương thất, tả hữu vô phi bảo thánh cung. Tử Mạnh khởi năng chiêm phưởng phất, ủng chiêu cẩn khả ấp dư phong). Nương theo chú thích bài này ta thấy Y Doãn, công thần của nhà Thương, giúp vua Thang đánh vua Kiệt, vua Thang chết, cháu là Thái Giáp vô đạo, Y Doãn đi cày ở đất đồng, được ba năm thì Thái Giáp hối hận, Y Doãn lại đón về kinh đô. Mạnh Tử khen Y Doãn là thánh. Chu Công đán là công thần nhà Chu phò Vũ Vương. Vũ Vương gần chết di ngôn giao vũ thành vương cho Chu Công giúp. Vũ Vương ốm nặng, Chu Công cầu với tổ tiên xin chết thay, sử quan đặt lời chúc vào hộp buộc dây bằng vàng (nên gọi là kim đằng). Vũ Vương chết, thành vương nối ngôi, Chu Công phụ chính. Quản thúc dèm, Chu Công lánh sang đông đô ở. Sau thành vương mở hộp kim đằng ra xem, biết bụng Chu Công, bèn rước Chu Công trở về. Còn Tử Mạnh là đại tướng quân nhà Hán, vâng di chiếu của hán vũ đế phò chiêu đế, làm sao mà sánh được với cố sự Thương Chu. Bài thơ biện luận về chuyện Y Doãn, Chu Công đời Thương đời Chu, chở cái đạo của Nguyễn Trãi, nói cái chí của Nguyễn Trãi, chất chứa cái kỳ vọng của ông nhưng cũng như vẽ ra trước mắt chúng ta Hoàn Cảnh hậu chiến phức tạp đối với những công thần phù vương lập quốc, đặc biệt lúc Lê Thái Tổ băng hà. Trong tình thế đó, Nguyễn Trãi đã băn khoăn biện biệt nhưng rồi ông đã phải đi đến một quyết định xử biến như người xưa: Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, sá lánh thân nhàn khuở việc rồi… nhưng cứ đúng văn bản mà hiểu thì chắc Nguyễn Trãi muốn nhắc tới những công thần khai quốc như mình, đã từng đồng cam cộng khổ trong khởi nghĩa, đã từng thất điên bát đảo trong guồng quay hậu chiến, đã từng lựa chọn, đấu tranh, hi vọng và vỡ mộng. [NH Vĩ 2010: 1036-1038]. Lê quí đôn từng ghi nhận: “khi thái tông lên ngôi, Nguyễn Trãi nhận cố mệnh phụ chính”. Đặng trọng an trong Nam Hà ký văn tập cũng khẳng định: “do công lao, ông (Nguyễn Trãi) được phong Quan phục hầu và nhận di mệnh phù vua trẻ”(tr.2b). “quật khởi từ ấp nhỏ lam sơn, tiến lên quét sạch bọn giặc minh hung tàn cướp nước, sự nghiệp của lê lợi đã vượt xa Vũ Vương đời Chu. Nhưng theo truyền thống “pháp tiên vương” trước đây, các triều đại phong kiến vẫn thấy ở Văn Vương. Vũ Vương hình mẫu lý tưởng về một thời thịnh trị. Lê lợi cũng có điểm giống Vũ Vương: dùng võ công đánh kẻ bạo tàn, và cũng có con nhỏ kế vị. Trong Hoàn Cảnh đó, lê lợi mong muốn người phụ chính được như Chu Công là điều dễ hiểu. Nhưng với tư cách là kẻ nhận di mệnh phò vua nhỏ, không thể làm một vị “quốc thúc” như Chu Công, mặc dù hoài bão của ông, tài năng và đức độ của ông hẳn không thua kém gì. Ông tìm một tấm gương khác, sát với mình hơn, và có nói ta thì cũng là “danh chính”, “ngôn thuận”. Đó là Hoắc Quang: là một đại thần khác họ vua, quang đã nắm quyền phụ chính suốt hơn 20 năm, làm cho “muôn họ đầy đủ”, “bốn phương thuần phục” đất nước thanh bình. Đấy là sự nghiệp của quang và cũng là điều tâm niệm của Nguyễn Trãi. Có điều cung đình nhà lê sau khi lê lợi mất không cho phép Nguyễn Trãi thực hiện hoài bão phò vua trẻ, xây dựng đất nước như ta đã biết. Ông đành ngậm ngùi lui về ở ẩn chốn Côn Sơn. Dầu vậy, lời ký thác sâu nặng của lê lợi hình như luôn ở sâu thẳm trong trái tim ông. Vì vậy, khi thái tông khôn lớn, nhận ra lẽ phải, cho gọi đến ông thì vị lão thần này xúc động khôn xiết, vội vàng đáp lại yêu cầu của ông vua trẻ ra phò vua giúp nước. Đọc bài biểu tạ ơn của ông khi được thái tông tín nhiệm ta thấy tâm trạng hả hê rất hồn nhiên của ông, cứ như là Chu Công ở đất đông đô khi được ông vua trẻ đã hối lỗi là thành vương đón mời về kinh đô vậy.” [HV Lâu 1986: 79].
Thừa chỉ 承旨
dt. tên một chức quan, chức này bắt đầu có từ đời Đường, tên đầy đủ là Hàn Lâm học sĩ Thừa chỉ thuộc Hàn Lâm viện, là quan đứng đầu các học sĩ, phàm các việc chính sự trọng yếu như cáo lệnh, phế truất, cắt đặt đều được một mình ứng đối. “qua bức thư Nguyễn Trãi thay mặt lê lợi soạn thảo sớm nhất còn lại là Thỉnh hàng thư (Thư xin hàng) viết vào tháng 5 năm quý mão (1423), có thể đoán Nguyễn Trãi được phong chức đó từ những năm đầu tham gia khởi nghĩa lam sơn. Dưới triều Lê Thái Tổ, với chức vụ Thừa chỉ, Nguyễn Trãi chuyên thay mặt vua soạn thảo chiếu, chế, biểu… ghi chép hoạt động của Nguyễn Trãi khoảng 1433 - 1437, Đại Việt sử ký toàn thư vẫn gọi ông với chức danh Thừa chỉ. Tháng 6 năm đinh tị (1437), nhân bất đồng với quy chế nhã nhạc do Lương Đăng soạn thảo, nhưng vua Lê Thái Tông lại tán thành, ông xin về Côn Sơn dựng nhà, thỉnh thoảng mới về thăng long chầu vua. Bài thơ có lẽ được làm ở Côn Sơn vào thời kỳ này, khi Nguyễn Trãi vẫn đương chức Thừa chỉ” [PL 2012: 131]. Thừa chỉ ai rằng thì khó ngặt, Túi thơ chứa hết mọi giang san. (Tự thán 72.7).
tiên gác phượng 仙閣鳯
dt. ông tiên ở gác phượng, dịch chữ 鳳閣仙 (quan ở trung thư sảnh). Lý Thương Tẩu đời Tống có câu: “anh tài đang đông đúc, Vương Đạo thực chan chan. Kẻ cửa vàng soạn chiếu, tiên gác phượng điều canh.” (華才方燁燁,王道正平平。草詔金門手,調羹鳳閣仙 hoa tài phương diệp diệp, Vương Đạo chính bình bình. Thảo chiếu kim môn thủ, điều canh phượng các tiên). “gác phượng: tức trung thư sảnh, dinh quan trung thư lệnh sự, chức quan Nguyễn Trãi được vua lê lợi phong năm thuận thiên nguyên niên (1428)” [PL 2012: 236]. Diếp còn theo tiên gác phượng, rày đà kết bạn sa âu. (Bảo kính 162.3). Câu này ý nói: ngày xưa ta làm quan to trong triều mà nay ta đã lui về làm bạn với chim âu trên bãi cát.
tiên khách 仙客
dt. khách tiên. Tiếng Hán “tiên khách” có nhiều nghĩa: (1). Tiên nhân, (2) trỏ kẻ sĩ có tinh thần siêu dật hay những vị quan thanh liêm cao khiết, (3) đạo sĩ, (4) ẩn sĩ, (5) vương tiên khách, (6) một số loài động thực vật đặc thù, như hươu, hạc, hoa quỳnh, hoa quế… ở đây có khả năng cao mang nghĩa cuối. Vì bài đang liệt kê 4 người bạn của ẩn sĩ, câu 3 tả trúc Tưởng Hủ, câu 4 tả Mai Lâm Bô, câu 5 tả tùng “bậc trượng phu non vắng”, nên câu 6 chắc cũng phải tả một loài động thực vật nào đó. Xét, Diêu Khoan đời Tống trong Tây khê tùng ngữ có viết: “anh ta bá thanh trồng được mười ba vị khách, gồm: mẫu đơn là quý khách, mai là thanh khách, … Hoa quỳnh là tiên khách”. Quách Nhược Hư đời nguyên trong Đồ hoạ kiến văn chí ghi: “Lý Văn Chính thường ở vườn sau trong phủ, chăm bón năm loài chim để chơi ngắm, đều lấy chữ “khách” để đặt tên. Sau lại sai hoạ sĩ vẽ tranh các loài ấy, gồm: hạc là tiên khách, Khổng tước là nam khách, anh vũ là lũng khách… đều có làm thơ vịnh ghi trong tranh”. Đô Cung đời Minh trong Tam dư chuế bút ghi: “Trương Mẫn Thúc coi 12 loài hoa là 12 khách, đều có thơ vịnh. Mẫu đơn là quý khách, mai là thanh khách,… quế là tiên khách”. Xét, thơ Nguyễn Trãi có câu “hé cửa đêm chờ hương quế lọt” và “rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn”. Như vậy, “tiên khách” ở đây là trỏ “quế” hoặc “hạc”. Trượng phu non vắng là tri kỉ, tiên khách nguồn im ấy cố nhân. (Tự thán 81.6).
trêu tức 嘹𠺒
◎ Thanh phù: liệu 嘹, tức 息. Phiên khác: giéo giắt (TVG), déo dắt (ĐDA, VVK), leo lét (MQL), réo tức (Schneider, PL), cách phiên này đúng mặt chữ Nôm, nhưng như vậy coi “réo tức” là tiếng kêu của chim đỗ quyên. Xét Từ Nguyên, “trêu” vốn là chữ 撩 (AHV: liêu), ví dụ: trêu râu hùm (撩虎鬚), trêu ong phải nọc (撩蜂吃螫). Kiểu tái lập: kleu¹.
đgt. chọc giận. Thục Đế để thành, trêu tức, phong vương đắp luỹ, khóc rân. (Điệp trận 250.5). “khóc rân” là trỏ tâm trạng của bướm khi bị đàn ong thợ chặn không cho vào tổ ăn mật, cho nên “trêu tức” cũng vẫn có chủ thể là bướm (chứ không phải là của Thục Đế như trước nay vẫn hiểu). Lý Thương Ẩn trong bài Cẩm sắt có câu: “Trang sinh tỉnh mộng mê là bướm, Vọng đế lòng xuân mượn cuốc kêu.” (莊生曉夢迷蝴蝶,望帝春心託杜鵑 trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên). Trang Chu tỉnh giấc mộng rồi vẫn còn băn khoăn rằng mình là Trang Chu hoá bướm hay giờ đang là ở một giấc mộng khác: bướm hoá Trang Chu. Thục Đế mất nước, tiếc nhớ đế vị, cũng như chim đỗ quyên kêu xót vì nhớ tiếc cả mùa xuân đã qua. Sự đan cài các điển nghĩa ở đây cho thấy sự chồng ghép các ý tưởng thơ: mất nước - tiếc xuân - và tất cả chỉ là giấc mộng. Nguyễn Trãi đã dịch gộp cả hai câu thơ của Lý Thương Ẩn: Thục Đế đã bỏ thành quốc ra đi, chỉ còn lại đây đàn bướm xuân mộng mị và nhởn nhơ như đang trêu tức con người.
tuyết sóc 雪朔
dt. tuyết phương bắc. Tuyết sóc treo, cây điểm phấn, quỹ đông dãi, nguyệt in câu. (Ngôn chí 14.3). “thật là hai câu thơ lọn nghĩa, cân chỉnh, đông đặc, thừa tiếp được cái ý đông nên ngọc một bầu ở câu trên. Sự cân đối toàn diện tăng thêm cái vẻ tĩnh khi cần viết một câu thơ tĩnh lặng, thứ thi pháp mà thơ đương đại không phải ai cũng học được, cũng đạt đến. Từ ngôi lều bên sông vào khi tà dương bóng ngả (khoảng hơn năm giờ chiều), trước khi lên thuyền du ngoạn, Nguyễn Trãi lặng ngắm bầu thế giới chiều thu và phát hiện sự êm đềm của nó. ở phía bắc vì đã có sương treo lên nên cây tựa hồ điểm phấn. Phía đông bóng ngày đã phai nên lặng lẽ hiện vành trăng cong trên nền trời. Khói nằng nặng không bốc lên mà như lắng xuống một vùng nước biếc phẳng lì. Trên không trung, đàn nhạn in hình chữ triện giữa gió thâu. Đã cất mái chèo rồi thì chẳng muốn đỗ lại. Trời đã sang ban tối, ước về đâu bây giờ. Một khoảnh khắc chuyển vần từ chiều sang tối. Một phút bâng khuâng cực kì nghệ sĩ khi chiều buông trên sông nước… vậy Nguyễn Trãi làm bài thơ vào thời gian nào? đó phải là một ngày mùng 6, mùng 7 hoặc mùng 8 tháng 9 âm lịch. Nếu là mùng 5 thì lúc tà dương, trăng đã khá cao gần đỉnh trời. Nếu là mùng 10 thì tuy vẫn là câu nhưng trăng đã khá đầy, không thật còn là câu nữa. Trăng mùng 8 dây cung đã phẳng nhưng lưng vẫn cong rõ. Chữ câu là cong : lưỡi trai, lá lúa, câu liêm, lưỡi liềm, liềm giật, thật trăng đều là câu cả vì chưa viên hoặc bán viên. Chỉ cần tra tự điển Thiều Chửu là rõ. Tháng cuối cùng của mùa thu thì nhạn phương bắc mới bay về, vậy lúc này phải là tháng 9, quý thu. Thơ Nguyễn Trãi, trong cái ảo huyền tận cùng của tư duy, của ý tưởng thì cảnh vật thường xác thực đến nồng nàn. Bài học thôi xao đối với người xưa đâu chỉ là một giai thoại mua vui về câu nệ chữ nghĩa mà nó đích thị là một kinh nghiệm thi pháp của thao tác lựa chọn”. [NH Vĩ 2010: 1062-1063].
tào khê 漕溪
dt. tên một nhánh sông ở Đông Nam huyện khúc giang, tỉnh quảng đông. Theo Truyền đăng lục, ở đây có chùa bảo lâm, dựng từ đời Nhà Lương (đầu thế kỷ thứ vi). Sang đời Đường, nhà sư Huệ Năng đến tu tại đây, trở thành vị tổ thứ sáu của phái thiền tông, cũng còn gọi là tào khê. Bài Du nam hoa tự của Nguyễn Trãi có câu: “Trước cửa tào khê dòng nước cuộn, rửa sạch nhân gian mọi bụi trần.” (門前一派漕溪水,洗盡人間劫劫塵 môn tiền nhất phái tào khê thuỷ, tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần). Tào khê rửa, nghìn tầm suối, sạch chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.7).
tác 索
◎ Phiên khác: sách: yêu sách, đòi hỏi (TVG).
tt. <từ cổ> một mình, lẻ loi. Nguyễn Trãi trong bài Mạn thành có câu: “tính lười xưa nay thích ở một mình” (懶性從來愛索居 lãn tính tòng lai ái tác cư). Tác ngâm: bạc dẫy mai trong tuyết, đối uống: vàng đầy cúc khuở sương. (Bảo kính 157.5, 159.3). “tác ngâm” chuẩn đối với “đối uống”. Ý nói: một mình ngâm câu thơ về vẻ đẹp của hoa mai trắng trong tuyết trắng; cùng uống rượu với ánh hoa cúc vàng trong sương mùa thu. Chữ “đối uống” có thể hiểu hai cách: uống với hoa cúc; cùng với bạn uống rượu hoa cúc.
tự giới 自戒
dt. tên bài thơ số 127. Tự giới nghĩa là tự mình răn dè mình. Nguyễn Trãi răn mình phải giữ lấy đạo Trung Dung, phải biết tiến biết thoái, chớ tham chớ dại theo cái “nết anh hùng”, hãy nén lại cái “hung hăng huyết khí” thì mới tránh khỏi những tai nạn không may trong cuộc đời. Nhưng rốt cuộc, như ta biết, Nguyễn Trãi vẫn tự nhận mình “như con ngựa già còn ham rong ruổi”, việc tham gia chính trường quá sâu, quá nồng nhiệt, ông đã mắc nạn chu di tam tộc.
vui 盃 / 𬐩
◎ {司 tư + 盃 bôi}. Kiểu tái lập : *tbui. so sánh với đối ứng pui (Mẫn Đức, Mỹ Sơn, Làng Um, Suối Sàng, Thạch Bi) trong tiếng Mường, nhẫn Gaston tái lập là *kbui [1967: 131]. Shimizu Masaaki dẫn đối ứng tapuj¹ trong tiếng Rục [2002: 769; x. TT Dương 2012a]. Có thuyết khác cho vui là âm THV của dự 豫. Xét, đối ứng d- (AHV) v- (THV), như 役 dịch / việc. x. việc. Mặt khác, dự còn có nghĩa gốc là con voi, mà voi là một từ THV của vi (theo tự hình giáp cốt văn là vẽ hình con voi). Tồn nghi.
tt. trái với buồn. Vui xưa chẳng quản đeo âu (Ngôn chí 19.8), dịch câu tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ) của văn chính Phạm Trọng Yêm đời Tống‖ Khó miễn vui. (Thuật hứng 58.7), dịch câu an bần nhi lạc‖ (Tự thán 99.8), Nguyễn Trãi trong bài Ngẫu thành có câu “Tu thân mới biết làm điều thiện là vui.” (修己但知為善樂 tu kỷ đãn tri vi thiện lạc).
đgt. mừng. (Tự thán 103.7)‖ Đổi lần đã mấy áng phồn hoa, dầu ngặt, ta vui đạo ta. (Bảo kính 168.2), dịch câu an bần lạc đạo.
vách 壁
◎ Đọc âm HHV. AHV: bích. Âm HTC: *pek [Baxter 1992: 188]. Gaston khi nghiên cứu QATT tái lập *kbék [1967: 132]. *kbék chuẩn đối với *kren. Nguyễn Trãi đã dùng CCVC để đối với CCVC trong một liên đối. Kiểu tái lập: *tbɛk⁵. [TT Dương 2012c].
dt. các bức tường trong ngôi nhà. Tranh giăng vách nài chi bức, đình thưởng sen nừng có căn. (Tự thán 110.3)‖ (Bảo kính 163.5).
vượn đam trái 猿冘𣡚
đc. <Phật> hình tượng thường gặp trong kinh điển Phật giáo. Tống Nhân Tông có bài phú rằng: “làm đệ tử Như Lai; làm tông thân tiên thánh. Vào ra ở dưới cửa vàng; hành tàng ngay trong điện báu. Hươu trắng ngậm hoa, vượn xanh hiến quả. Xuân nghe oanh hót líu lo, vui với cơ trời; hè nghe ve kêu khản tiếng, nào biết nắng nôi!” (作如來之弟子,為先聖之宗親,出入於金門之下,行藏寶殿之中,白鹿啣花,青猿獻菓,春聽鶯啼鳥語,妙樂天機;夏聞蟬噪高林,豈知炎熱 tác Như Lai chi đệ tử; vi tiên thánh chi tông thân. Xuất nhập ư kim môn chi hạ, hành tàng bảo điện chi trung. Bạch lộc hàm hoa, thanh viên hiến quả. Xuân tính oanh đề điểu ngữ, diệu lạc thiên cơ; hạ văn thiền táo cao lâm, khỉ tri viêm nhiệt). Diêu Miễn 姚勉 đời Tống trong tuyết pha văn tập có câu: “Gà vàng gắp thóc ở bếp hương tích; vượn ngọc dâng trái trong toà pháp vương.” (金雞銜粟於香積之厨玉猿獻果於法王之座 kim kê hàm túc ư hương tích chi trù; ngọc viên hiến quả ư pháp vương chi toạ). Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.4), ý nói hoa trái là thức ăn chay theo mùa (thì trai), vượn cứ thế mà hái dâng. Bài thơ có thể được viết khi Nguyễn Trãi giữ chức quan coi chùa Côn Sơn. Thời lành cả mở hội lành, reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà. Vầy đoàn yến múa, oanh ca, vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh (Tư Dung ). Mỗi khi đến thời tiết tam nguyên và Phật đản thì có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh dâng cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền thính pháp; đáng gọi là nơi tịnh độ tiêu dao vậy (gia định thành thông chí).
xương 腔
◎ Nôm: 昌 Về Từ Nguyên xin xem [TT Dương 2013 c]. Ss đối ứng: sɨəŋ2 (Mường khoi), s:əŋ (Maleng), siaŋ (tum), c?a:ŋ (Khmú), si?iaŋ (mal), kə(n)aŋ (ta-ang, rumai), si?aŋ (paraok) [Diffloth 1992: 132], sa:ŋ11 (Rục) [Ferlus 1991], âm PVM: j?a:ŋ [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Như vậy, ngữ tố này thuộc nhóm từ vựng chung.
dt. xương cốt. Đỗ Phủ trong bài Hựu trình Ngô lang có câu: “Đã tố phu phen kiết trơ xương.” (已訴征求貧到骨 dĩ tố chinh cầu bần đáo cốt). Nguyễn Trãi trong bài Ký hữu có câu “Mười năm đọc sách nghèo đến xương.” (十載讀書貧到骨 thập tải độc thư bần đáo cốt). Càng một ngày càng ngặt đến xương, ắt vì số mệnh, ắt văn chương. (Tự thán 71.1), ngặt đến xương dịch từ cụm 貧到骨.
áo thê thê 襖妻妻
dt. loại áo chầu rộng, dài và có mầu sắc giống đuôi cá thia thia [x. tranh thờ Nguyễn Trãi tại nhà thờ họ Nguyễn Nhị Khê và bản chính tại Bảo tàng Lịch sử; TQ Đức 2013: 181]. Ngòi cạn ước ở làm cấn cấn, cửa quyền biếng mặc áo thê thê. (Tự thán 109.4). x. thê thê.
đàn tao 壇騷
◎ Nôm: 𡊨騷
dt. dịch chữ tao đàn, văn đàn, thi đàn. Miệng khiến tửu binh pha luỹ khúc, Mình làm thi tướng đánh đàn tao (Tự thán 89.4). Đánh đàn tao: chữ “đánh” ghi bằng 頂 (AHV: đảnh, đỉnh). Schneider, VVK và PL phiên “đứng”. Nay theo cách phiên của TVG, ĐDA, BVN, MQL. Bởi đây là một lối chơi chữ thường thấy của Nguyễn Trãi (xem thêm bài trư). Bài này đang nói về “trường chính trị” cũng như là “chiến trường”, cho nên mới nói đến “tài trí”, “quyền”, “tửu binh”, “luỹ khúc”, “thi tướng”, “đàn tao”, “tượng- mã”, “anh hùng”. Câu trên đã là “pha luỹ khúc” (xông pha chiến luỹ) thì dưới cũng nên là “đánh đàn tao”, như thế độ tập trung ngôn từ ở đây sẽ là yếu tố quyết định cho phương án phiên âm. x. thi tướng.
đình 亭
dt. loại kiến trúc có mái chóp, không có tường bao, thường đặt bên đường bên sông hay vườn hoa để tránh mưa, nghỉ ngơi hay ngắm cảnh. (Tự thán 107.3, 110.4)‖ Chạnh yên hà, chái một căn đình, quét đất thiêu hương giảng ngũ canh. (Tức sự 123.1). “đình gì mà phải quét đất, có nghĩa là không lát gì cả. Đình gì mà trống hoác như vậy, không có cả bốn vách đến nỗi chim đỗ trong tổ mà nhìn còn biết mặt, hoa chen chúc trong rừng mà thấy còn đọc ra tên. Đình gì dùng để dạy học mà có khi còn nghe rõ cả tiếng thuyền chài gõ cá dưới bến kia. Đình gì mà một phía chái vào khói ráng vậy. Đó chỉ là một ngôi lều rộng tuềnh toàng một mái thôi dùng để dạy láng giềng mấy sĩ nho, thầy dạy là một ẩn sĩ, không ước đai lân phù hổ gì. Té ra chữ đình thời Nguyễn Trãi khác chúng ta tưởng tượng theo bây giờ lắm, nó có thể chỉ một chỗ rộng chung cho mọi người có thể trú chân, tạm bợ, sơ sài. Học trò học cũng tạm bợ sơ sài như vậy. Thứ hai, đọc tài liệu ghi chép qua hoàng xuân hãn trong luận văn cuộc tiếp sứ thanh năm 1663 thì ta cũng ngạc nhiên cho đình trạm ngoại giao quan trọng cuối thế kỉ 17, từ lạng sơn về hết bắc giang, đình trạm tiếp khách chủ yếu là tranh tre nứa lá sơ sài. Cũng cuối thế kỉ đó, liêm quận công Nguyễn Quí Đức về hưu trí trong danh vọng và giàu sang làm một ngôi đình tiếp bè bạn là văn nhân được chính ông mô tả như sau trong bài thơ nôm đề lạc thọ đình: chạnh mái thiền lâm chụm một đình, trong nhàn dành họp bạn kỳ anh. Chiếu hiềm che gió cài xô lệch, vách ngại ngăn trăng để chống chênh. Vui mặt uống say nằm thét lác, dang tay hóng mát đứng hềnh hênh.” [NH Vĩ 2010].
đông phong 東風
dt. gió phía đông thổi lại, trỏ gió mùa xuân. Đông phong từ hẹn tin xuân đến, đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi. (Xuân hoa tuyệt cú 196.3)‖ (Tích cảnh thi 209.3)‖ (Đào hoa thi 227.3)‖ (Dương 247.3). “đông phong là gió mùa xuân thổi từ phía đông đến, mang hơi ấm của sinh khí. Đông phong còn là gió tình trong thi liệu cổ truyền. Đỗ Mục đời Đường có câu thơ: đông phong bất dữ chu lang tiện / đồng tước xuân thâm toả nhị kiều nghĩa là nếu ngọn gió đông không giúp sức cho chu du thì hai cô họ kiều đã bị Tào Tháo nhốt kín vào đài Đồng Tước. Sau này các nhà thơ còn hiểu đông phong như là phương tiện tạo cơ hội ân ái nam nữ. Nguyễn Du để cho thuý kiều suy ngẫm về kim trọng khi mình gặp tai biến: bước chân đến chốn lạc loài, nhị đào thà bẻ cho người tình chung, vì ai ngăn đón gió đông, thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi. Các bản dịch pháp văn với cụm từ ngăn đón gió đông thì đều dịch thành “barré chemin du bonhneur” (ngăn cản con đường đến hạnh phúc) là vì thế. Chắc chắn Nguyễn Trãi cũng hiểu đông phong theo nghĩa trên nên cụ mới rỉ bảo, nhắn khe khẽ thôi rằng hãy mạnh mẽ lên chứ kẻo rồi lại tiếc thay cho thế tình dửng dưng.” [NH Vĩ 2009].
đúc 鑄
◎ Nôm: 篤 Đọc âm PHV. AHV: chúc. Đúc: đọc theo âm THV: *tjugh (Lý Phương Quế).
đgt. hun đúc, đào tạo. Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc, đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng. (Tự thuật 117.4). đc.: Dương Hùng trong sách Dương Tử Pháp Ngôn có câu: “có người hỏi: ‘đời hay nói đúc vàng, vàng có thể đúc ư?’ trả lời: ‘ta chỉ nghe nói rằng, khi gặp bậc quân tử, chỉ có hỏi về việc đúc người thôi, chứ không hỏi về việc đúc vàng’. Người kia lại hỏi: ‘người mà cũng có thể đúc ư?’ trả lời: ‘thì đức Khổng Tử đúc được Nhan Uyên đó thôi’. Người ấy mới cung kính mà rằng: ‘thực là ý vị! hỏi về việc đúc vàng, mà lại hiểu thêm về việc đúc người’” (或問:“世言鑄金,金可鑄與?”曰:“吾聞覿君子者,問鑄人,不問鑄金。”或曰:“人可鑄與?”曰:“孔子鑄顏淵矣。”或人踧爾曰: “旨哉!問鑄金,得鑄人”). ở câu thơ này, Nguyễn Trãi chơi chữ. Chữ dùng của Dương Hùng trỏ nghĩa bóng. Chữ dùng của Nguyễn Trãi vừa mang nghĩa bóng như vậy là vừa dụng nghĩa Từ Nguyên cụ thể của từ đúc. Ý muốn nói: dẫu đúc được một người hiền như Nhan Uyên thì có đúc bằng vàng đi chăng nữa thì cũng không tiếc. (theo ĐDA).
đất 坦
◎ Ss đối ứng tắt³ (nguồn), tắt³ (Mường bi), atăk², bơn¹ (Chứt), kule? (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 234].
dt. thổ nhưỡng. Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, đất cày ngõ ải rãnh ương hoa. (Ngôn chí 4.6, 10.4)‖ (Hoàng tinh 234.1)‖ x. đất dư.
dt. trỏ không gian nào đó, như chỗ, chốn. Ẩn cả lọ chi thành thị nữa, nào đâu là chẳng đất nhà quan. (Ngôn chí 17.8)‖ (Trần tình 37.4). Ss “sửa mình mới biết làm thiện vui” 修己但知為善樂 (Nguyễn Trãi - ngẫu thành).
dt. lãnh thổ. (Mạn thuật 24.2)‖ (Trần tình 43.8)‖ (Thuật hứng 65.3)‖ Mấy kẻ tư văn sinh đất Việt, đạo này nối nắm để cho dài. (Tự thán 92.7, 105.8)‖ (Tức sự 125.3)‖ (Bảo kính 157.8).
dt. (chất) đất. (Mạn thuật 32.3)‖ (Tức sự 123.2)‖ (Tức sự 124.5). Nước càng tuôn đến bể càng cả, đất một chồng thêm núi một cao. (Tự thuật 122.4). đc. Luận Ngữ thiên Tử hãn: “Khổng Tử nói: ví như đắp đất làm núi, chỉ cần một sọt đất nữa là thành, nếu ta dừng, ấy là bởi ta dừng. Lại ví như giữa đất bằng, dẫu chỉ mới để được một sọt đất, nhưng quyết tâm tiếp tục, thì đó là ta đang đi tới thành công vậy.” (子曰、譬如為山, 未成一簣、止、吾止也、譬如平地、雖覆一簣、進、吾往也)‖ (Tức sự 125.4)‖ (Bảo kính 150.6).
dt. chốn, nơi. (Thuật hứng 54.4).
dt. trong Trời đất. (Bảo kính 182.5).
dt. vị trí, địa vị. x. đổi đất.
đồ thư 圖書
dt. sách vở, thư tịch. Đồ thư bốn vách nhà làm của, phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền. (Bảo kính 163.5), dịch từ cụm tứ bích đồ thư 四壁圖書. Nguyễn Mộng Tuân trong bài mừng nhà mới của Nguyễn Trãi có câu: “lạnh lẽo một dòng nhà quan lạnh, xác xơ bốn vách sách ngàn pho” (一條水冷知三觀,四壁家貧富六經 nhất điều thuỷ lãnh tri tam quán, tứ bích gia bần phú lục kinh).
canh 羹
◎ Chữ hội ý, gồm chữ cao 羔 (dê non) và chữ mỹ 美 (dê to). Người phía Bắc Hoa Hạ xưa chủ yếu là dân du mục, thức ăn chính là thịt cừu thịt dê, nên mới gộp hai chữ có cùng bộ dương. Nghĩa ban đầu, canh trỏ mùi thịt tươi ngon. Nấu thịt với rau và gia vị thì thành món thịt có nước sệt. Sách Thuyết văn ghi : “ngũ vị hòa canh” (五味和羹). Như vậy, chữ canh thời thượng cổ là trỏ món thịt hầm rau, phân biệt với thang (món nấu có nhiều nước). Canh mang nghĩa như thang là bắt đầu từ từ thời trung cổ trở lại đây. Chữ canh trong tiếng Việt hiện nay là trỏ (1) món rau, củ, quả nấu cùng với mắm; (2) nước rau luộc có nêm muối sau khi vớt rau ra (tùy từng vùng mà gọi); (3) món rau nấu với thịt, cá. Nhưng nghĩa thứ ba hiện đang dần được thay bằng từ súp. Thế kỷ XVII, Chỉ nam ngọc âm có tả một vài loại canh như sau: Đông qua là bí nấu canh ngọt dừ (69b), Huân hoắc riêu nấu hơi chua, Thái canh bất hoà cảm nhớ canh suông (20a), Thuần canh canh dút thơm nồng (20a), Khổ tửu dấm son chua thay, hà tương hiệu rày là mắm tôm canh (19b). Canh bính trắng một bánh canh, tôm he cà cuống thịt hành hồ tiêu (21a). Như vậy, đặc điểm của canh Việt là canh rau - mắm. Riêng món bánh canh thì miền Bắc hiện đã mất, còn bảo lưu trong tiếng Huế. và văn hoá Huế Tuy nhiên, tiếng Việt vẫn có một số từ bảo lưu nghĩa từ tiếng Hán, ví dụ: “Huyết canh (血羹) là tiết canh; Hà tí (蝦漬) là tôm canh.” (Phạm Đình Hổ 1827: 26b). Ss đối ứng: kɛŋ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 185].
dt. món rau nấu nhiều nước. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, Nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6) tng. Con sâu bỏ rầu nồi canh‖ 134.6. Cứ liệu trong thơ Nguyễn Trãi cho thấy, nghĩa của canh đã được Việt hoá từ thế kỷ XV.
nhặt 抇
◎ (bản B), bản A viết nhầm 日thành viết 日và đảo vị trí. Các cách phiên chú là vắt. “Trung, viết (hoặc nhật) mà phiên trong vắt thì hầu như trái với tiền lệ, ít nhất là trái với các mã chữ trong văn bản này. Vắt hoặc vít hoặc vất trong văn bản này được viết với mã勿; Trong ở các văn bản Nôm khác thường được viết với mã冲 ,沖, 𤁘. Bất ổn thứ hai là vi phạm luật đối giữa hai câu. Không thể nào thiết lập luật đối giữa Cổi tục trà thường pha nước tuyết với Tìm thanh trong vắt tịn trà mai được. Dù có thay tận bằng tiễn, tịn, tiển hay tạn cũng vậy thôi. Thứ ba là cấu tạo cụm từ bị xô lệch, có nghĩa câu thơ không biết ngắt nhịp ở chữ nào để lọn nghĩa và được nghiêm đối. Nói chung đó không thể là câu thơ của ức Trai được. Còn câu ở bản B thì khác hẳn : Lọn nghĩa, chuẩn đối, tinh tế và tươi tắn đến thích thú như rất nhiều ý thơ vốn có của ông : Cổi tục | trà thường pha nước tuyết, Tìm thanh | khăn tận nhặt chè mai. (𱪈俗茶常坡渃雪,尋清巾羨抇茶梅)... Câu thơ súc tích mà mạch lạc thì lọn nghĩa. Động từ đối động từ, tính từ đối tính từ, danh từ đối danh từ, hư từ đối hư từ một cách sóng sít thì là chuẩn đối. Một hành vi lao động cụ thể, khá đặc biệt của cư sĩ được thi vị hoá qua ngôn ngữ thơ thì đó là tinh tế. Đặt trong văn hoá lao động thôn dân ta thấy ý thơ muôn phần tươi tắn. Thơ Nguyễn Trãi thường thú vị chúng ta là vì vậy”. [NH Vĩ 2010].
đgt. cầm lên. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, Tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.4).